Giới thiệu chung
1. Đặc điểm về tự nhiên
Lương Phi là xã miền núi, dân tộc, nằm dọc theo tỉnh lộ 955B, là một trong bảy xã thuộc cụm biên giới của huyện Tri Tôn với 2.438 hộ dân và 8.475 nhân khẩu, mật độ dân số 206 người/km2. Tổng diện tích đất tự nhiên 4.115ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 2.725,39ha, chiếm 66,23%; đất phi nông nghiệp là 1.389,61ha, chiếm 33,77%. Phía Đông giáp xã Châu Lăng, phía Tây giáp xã Vĩnh Phước và xã Lương An Trà, phía Nam giáp xã An Tức, phía Bắc giáp thị trấn Ba Chúc và xã Lê Trì. Toàn xã có 08 ấp: An Thành, An Nhơn, Tà Miệt, An Ninh, Ô Tà Sóc, Tà Dung, Sà Lôn và An Lương (trong đó có 03 ấp dân tộc Khmer), với 96 tổ an ninh nhân dân.
Trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã Lương Phi
2. Đặc điểm về kinh tế
Đa số nhân dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp càng phát triển đi vào chiều sâu theo hướng thâm canh, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi; hình thành các vùng chuyên canh cây dược liệu đảm bảo phục vụ tốt nguồn cung nguyên liệu cho doanh nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng bình quân hàng năm năm 6.235 ha, trong đó diện tích trồng lúa khoảng 6.080 ha; năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/ha, diện tích gieo trồng hoa màu khoảng 155ha. Qua điều tra cơ sở kinh tế, toàn xã hiện có 344 hộ sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ, chủ yếu là kinh doanh hộ gia đình phần nào cũng góp phần cải thiện kinh tế, đời sống gia đình cho người dân.
3. Đặc điểm về xã hội
Tổng dân số của xã là 8.475 người với 2.438 hộ (trong đó có 687 hộ dân tộc Khmer với 2.389 nhân khẩu, chiếm 28% dân số toàn xã), tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1%. Số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động là 7.323 người, chiếm 86,4% dân số toàn xã. Trong đó, lao động có việc làm thường xuyên 7.003 người, chiếm 95,6%; số lao động được đào tạo 2.912 người, chiếm 39,76%.
Về dân số và lao động như trên thì đây là một tiềm năng rất lớn về nguồn nhân lực lao động của vùng nếu như biết khai thác và sử dụng một cách phù hợp thì sẽ tạo sự chuyển biến rất tích cực đối với nền kinh tế của địa phương, đặc biệt là trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cơ cấu ngành.