Nông dân Lương Phi làm giàu trên vùng đất quê hương
Những năm qua, xã Lương Phi – huyện Tri Tôn – tỉnh An Giang đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, kêu gọi đầu tư phát triển cây dược liệu, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, ứng dụng công nghệ trước và sau thu hoạch, chuyển từ hệ thống bơm dầu sang bơm điện 97,3%, nhằm mang lại năng suất và tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Anh Nguyễn Văn Đến, sinh năm 1978, anh sinh ra và lớn lên trên vùng đất Lương Phi Anh hùng. Anh là Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Lương Phi và là nông dân tiêu biểu, tích cực lao động sản xuất, làm giàu chính đáng từ chính đôi bàn tay của mình.
Anh nông dân chân đất
Anh Đến sinh ra và lớn lên trên vùng đất Lương Phi Anh hùng, sau khi lập gia đình anh luôn phấn đấu lao động để gia đình có cuộc sống ấm no, đầy đủ. Hiện cháu trai lớn nhà anh đã đang học năm ba đại học Cần Thơ, cháu trai thứ hai đang học cấp ba. Dù kinh tế gia đình đã khá giả, sung túc, con cái khôn lớn nhưng anh vẫn chăm chỉ lao động, ngày đi dặm phân, làm cỏ lúa, ngày thì thu hoạch mướp, có ngày chăm sóc ruộng gừng… lúc rảnh thì phụ chị nhà bán hàng, anh luôn bận rộn tay chân với niềm đam mê không nghỉ của mình, đồng thời anh rất vui vẻ hòa đồng cùng mọi người xung quanh nên gia đình cũng thường xuyên tổ chức tiệc liên hoan, gặp gỡ bạn bè… đó là thời gian giải trí, để anh sạc đầy năng lượng cho bản thân… và ngày hôm sau anh nông dân ấy lại tất bậc với ruộng đồng… Có được cuộc sống viên mãn và tươi vui, gia đình hạnh phúc như thế, anh lấy đó là động lực để tiếp tục phấn đấu, cần cù lao động đem lại cuộc sống sung túc cho gia đình.

Nông dân Nguyễn Văn Đến: làm giàu trên mảnh đất quê hương
Được cha mẹ cho phần đất ruộng trồng lúa, nhờ tính chịu khó học hỏi, tích cực lao động, anh tích góp mua thêm và đến nay anh sở hữu 25 công đất ruộng trồng lúa, với 3 công trồng bí đỏ vừa mới thu hoạch xong và hơn 3 công mướp đang cho thu hoạch 20 ngày, với trên 1,5 tấn và còn cho thu hoạch đến hơn 2 tháng tới. Anh cũng vừa cho xuống giống lại 3 công gừng…

Chia sẻ cùng phóng viên Hồng Đăng là niềm vui phấn khởi lộ rõ trên gương mặt của người nông dân tay lắm chân bùn, những giọt mồ hôi vui sướng khi nhắc đến gia đình vợ con vì gia đình anh luôn tràn ngập hạnh phúc và đầm ấp, năm nay sung túc hơn năm trước vì nhà cửa khang trang hơn, đầy đủ tiện nghi, vợ đẹp con ngoan, anh chia sẻ: “có được thu nhập ổn định rồi nên mình vừa sửa sang, tu bổ thêm căn nhà và mua sắm thêm vậy dụng sinh hoạt… các nào thiếu thì mình sẽ mua thêm chứ không còn phân vân suy nghĩ như trước, máy điều hòa cũng vừa mua thêm hai cái cho các con rồi và vừa mua thêm được tủ bếp cho vợ…”
Thời gian trước, anh Đến chỉ quanh quẩn bên ruộng lúa, cho nên hiệu quả kinh tế không cao, từ khi địa phương khuyến khích nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang hoa màu, anh đã mạnh dạn lên dàn trồng mướp, do cây mướp cũng dễ trồng, ít sâu bệnh nên ít tốn chi phí cho thuốc và mướp cho trái đến gần 3 tháng sau trồng. Hiện khoảng 3 công trồng mướp đang cho thu hoạch được 20 ngày, với giá bán từ 4.000 – 5.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Cứ cách một ngày thu hoạch một lần được trên 80kg, có ngày lên đến 100kg. Anh Đến cho biết, thời gian thu hoạch kéo dài được khoảng 4 tháng, trên 3 công đất nhà có thể thu hoạch được số lượng khoảng 20 tấn, trừ vốn đầu tư 20 triệu, anh thu lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng.
Anh Đến cho biết thêm: “thu nhập kinh tế gia đình ổn định hơn, nếu được thuận lợi thời tiết đạt năng suất cao, được giá nữa thì tốt, so với trồng lúa thì lời ít lắm. Năm rồi anh trồng có 1 công rưỡi gừng mà lợi nhuận được 50 triệu. còn trồng mướp so với lúa một công lời khoảng 5 đến 10 triệu. Lúa làm mỗi công chỉ lời được khoảng 2 triệu thôi, trồng mướp tuy tốn công vì phải đi bẻ mỗi ngày nhưng được cái thu nhập cao. Tôi luân phiên trồng thay đổi các loại hoa màu như gừng, mướp, bí đỏ, bí đao và có khi trồng cả rau tần dầy lá để bán giống… nếu thời tiết thuận lợi, giá cả tốt thì cho lợi nhuận hàng năm từ khoảng 200 triệu trở lên...”

Ngoài trồng mướp, anh còn trồng thêm 3 công gừng mới vừa xuống giống hơn tháng và cây đang phát triển rất tốt. Năm rồi, vừa được thuận lợi thời tiết, đạt năng suất mà giá lại khá cao, do vậy chỉ hơn công đất nhà mà cho lợi nhuận hơn 50 triệu đồng. Có được kết quả đó là do anh Đến dầy công chăm sóc, phân bón thì anh chỉ sử dụng phân sinh học đủ liều lượng, đúng kỹ thuật, từ đó giúp cây phát triển tốt, ít sâu bệnh. Anh luôn lấy sức khỏe của mọi người làm trên hết chứ không vì lợi nhuận cao mà gây nguy hiểm tính mạng người tiêu dùng. Nông sản anh trồng chủ yếu cung cấp tại chợ địa phương, khi tiêu thụ không hết mới đem ra chợ huyện.
Nhờ tính chăm chỉ lao động, siêng năng chăm bón các loại nông sản của chính bàn tay anh trồng, từ lúa cho đến mướp, gừng, đều từ đôi bàn tay anh chăm sóc, bón phân chứ ít khi thuê mướn, do đó lợi nhuận mang lại khá cao do ít tốn chi phí đầu tư…
Xin chúc gia đình anh Nguyễn Văn Đến luôn đong đầy hạnh phúc, nhiều sức khỏe để tiếp tục gieo trồng các loại nông sản đạt chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Hơn hết là giữ vững danh hiệu Nông dân Sản xuất Kinh doanh giỏi của xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Hồng Đăng